Thực trạng - Giải pháp giảng dạy Tiếng Anh cho học sinh – sinh viên
08/03/2022
Để có thể thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trong đó công tác giảng dạy Tiếng Anh được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường.
I. Những thuận lợi, khó khăn trong năm học:
Thuận lợi:
- Nhà trường trang bị tương đối đầy đủ các phòng chức năng, 100% các lớp học được đầu tư máy chiếu với phương châm đổi mới phương pháp dạy và học, có sự linh hoạt trong việc xếp lớp và ổn định sỹ số nhỏ trong các lớp Tiếng Anh.
- BGH nhà trường quyết tâm trong công tác giảng dạy HS-SV môn Tiếng Anh, mong muốn phát triển toàn diện cho HS-SV của nhà trường, trang bị kỹ năng phù hợp với tình hình lao động thực tế của xã hội.
- Đội ngũ CB – GV đạt trình độ phù hợp; đa số nhiệt tình tâm huyết, yêu nghề. Đặc biệt những đ/c GV được phân công giảng dạy đều thể hiện quyết tâm cao, luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ.
Khó khăn: Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác giảng dạy Tiếng Anh cho HS-SV gặp một số khó khăn sau:
- Chất lượng đầu vào hàng năm của trường thường quá thấp. Ngoài ra, số lượng học sinh nhập học rải rác, không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá trình độ đầu vào tiếng Anh, sau một thời gian giảng dạy, Giáo viên nhận thấy trình độ của các em không đồng đều, có những học sinh – sinh viên có lực học khá tốt, nhưng đa phần đều rất yếu. Mặc dù đã học Tiếng Anh rất nhiều năm ở phổ thông, nhưng kiến thức cơ bản rơi rớt, nhiều em vẫn ở trình độ sơ cấp, thậm chí, cá biệt có những HSSV không biết gì. Ngoài ra, nhiều sinh viên không thể nói nổi một câu tiếng Anh đơn giản, vì trong quá trình học tại phổ thông HSSV chỉ được học ngữ pháp, từ vựng một cách đối phó với các kỳ kiểm tra.
- Mặt khác một số sinh viên ít quan tâm đến môn học này tuy các em nhận thức tiếng Anh quan trọng cho công việc sau này. Chính yếu tố này sinh viên không quan tâm và chú ý ngay từ đầu, đặc biệt sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa Cao đẳng còn nhiều bỡ ngỡ, sinh viên phải làm quen với môi trường học tập mới, đặc biệt khi các trường áp dụng học chế tín chỉ, đầu ra A2 (khung nội bộ) yêu cầu bản thân sinh viên phải nỗ lực nhiều.
- Qua tham khảo ý kiến, kết quả của học sinh - sinh viên chưa đạt mức độ cao vì nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó ngay bản thân tiếng Anh là môn học kỹ năng, nếu sinh viên không tập trung học, hoăc không chú ý sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Kỹ năng nghe, nói là một kỹ năng khó, nếu sinh viên không chú ý, không tập nghe và luyện nói trước ở nhà thì kết quả sẽ kém, tạo tâm lý chung sinh viên sợ học môn tiếng Anh và từ đó sinh viên cảm thấy không hứng thú học.
- Ngoài ra, thời lượng học trên lớp rất ít, cụ thể là 240 tiết đối với hệ Cao đẳng, .
II. Một số ý kiến đề xuất, giải pháp cho công tác giảng dạy Tiếng Anh tại trường.
Với GV& HS-SV:
1. Giáo dục học sinh nhận thức vị trí và tầm quan trong của việc học tập bộ môn tiếng Anh trên lớp và trong tương lai.
2. Giáo dục học sinh về ý thức và thái độ học tập bộ môn đúng đắn, nhất là thái độ làm bài thi nghiêm túc và cố gắng hết mình để đạt kết quả khả quan hơn. Thường xuyên rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm,kỹ năng phân tích đề thông qua các bài kiểm tra.
3. Phân hoá đối tượng học sinh để tổ chức nâng kém hiệu quả hơn, thường xuyên kiểm tra bài các học sinh yếu và lười bằng những biện pháp hữu hiệu, tạo hứng thứ học tập bằng những hình thức khen thưởng, khích lệ các em học chăm hơn. Động viên các em yếu, kém học chăm chỉ và tích cực hơn trong các hoạt động trên lớp.
4. Cho các dạng bài tập trắc nghiệm vừa sức học sinh, rèn luyện các dạng bài tập cơ bản lặp đi lặp lại để khắc sâu kiến thức. Tranh thủ quỹ thời gian ở nhà của các em giao bài tập về nhà cho các em tự luyện tập thêm.
5. Tăng cường củng cố kiến thức cho học sinh yếu kém, trao đổi cùng đồng nghiệp những nội dung cô đọng, dễ hiểu và tìm ra PP giúp các em khắc sâu bài học hơn.
6. Khuyến khích và tổ chức nhóm học tập trên lớp và ở nhà. Rèn luyện nề nếp tự học và tự đánh giá mức độ tiếp thu bài học của mình. Xây dựng môi trường học tập bộ môn tự nhiên và không gây áp lực cho các em.
7. Kết hợp cả hai chương trình chuẩn và nâng cao (chương trình TA chuyên ngành) để cung cấp cho các HS-SV những kiến thức nền tảng nhất về ngôn ngữ, có thể vận dụng vào cuộc sống, cũng như sử dụng được trong công việc.
8. Giáo viên luôn tự rèn luyện, học hỏi thêm về chuyên môn, đầu tư nhiều trong soạn giảng, vận dụng PPDH hiệu quả, tạo sự hứng thú học tập và tích cực hoạt động của học sinh. Học hỏi kinh nghiệm từ các trường có chất lượng cao để từng bước đưa chất lượng của trường đi lên. Giao lưu trao đổi tài liệu, sách tham khảo về bộ môn giữa các trường.
9. Tiếp tục thao giảng, dự giờ, chân tình góp ý, rút kinh nghiệm lẫn nhau để cùng nhau nâng cao chất lượng BM
Với BGH nhà trường:
1. Nên tổ chức hình thức sân chơi phong phú để các em được phát triển toàn diện.
2. Tiếp tục đầu tư trang bị, CSVC (máy tính, bảng tương tác, học liệu) phục vụ công tác giảng dạy.
3. Cần đổi mới hơn nữa trong công tác thi đua khen thưởng để thúc đẩy phòng trào dạy và học trong nhà trường.